Bối cảnh triết học của Long Thụ Long Thụ

Long Thụ xuất hiện trong thời kì đỉnh cao của triết học Ấn Độ với nhiều trường phái Phật giáo cũng như các trường phái ngoài Phật giáo cùng với các quan điểm của họ. Thời đại bắt đầu từ thế kỉ thứ nhất này đánh dấu một giai đoạn hệ thống của triết học Ấn Độ, được miêu hoạ bằng một nghệ thuật tranh luận mà theo đó, các cuộc tranh luận về những phạm trù (padārtha) của một quy luật nhất định được tổ chức. Đó cũng là thời kì các nội dung giảng dạy được ghi chép lại dưới dạng kinh và những bộ luận bổ sung đi kèm.

Học thuyết ngoài Phật

Trong hoàn cảnh tranh luận sôi nổi đó, lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo đã phải trải qua một cuộc khảo sát của các trường phái cạnh tranh bên ngoài. Phật giáo đã phải ứng đáp với những nghi vấn của các trường phái bên ngoài đó.

Thuộc về những nghi vấn đó là những câu hỏi như phương tiện nhận thức chính xác (sa. pramāṇa, Lượng) nào có thể đưa đến chân lý, hoặc việc tái sinh nên được hiểu như thế nào, hoặc thế nào là bản chất của hiện thực.

Chung quy về các nghi vấn quan trọng thì có hai mô hình được phát triển trong hai trường phái chính thống (chính thống vì chúng thừa nhận thẩm quyền của Phệ-đà) liên quan tới việc quy luật nhân quả xảy ra cụ thể như thế nào đó là:

  • Thuyết được phái Số luận (sa. sāṃkhya) thừa nhận là thuyết "Nhân quả nhất như" (sa. satkāryavāda), được hiểu sát nghĩa là "Học thuyết về tồn tại và hiệu quả". Học thuyết này cho rằng hiệu quả (quả) đã nằm sẵn trong nguyên nhân (nhân), như vậy thì có sự đồng nhất của nhân và quả, hay "nhân quả nhất như".
  • Thuyết của học phái Thắng luận (sa. vaiśeṣika) cho rằng "Nhân quả bất nhất như" (sa. asatkāryavāda), thuyết đối nghịch trực tiếp quan điểm của học phái Số luận. Họ cho rằng hiệu quả không nằm trong nguyên nhân, cả hai khác nhau hoàn toàn.

Tất cả những mô hình ngoài Phật giáo khác chỉ là những dạng biến đổi chút ít của hai mô hình chính này:

  • Quan điểm của Kì-na giáo về mặt nhận thức luận được trình bày trong thuyết tương đối (sa. syādvāda) là "học thuyết về giá trị của mỗi phán định tuỳ theo quan điểm", và về mặt bản thể luận được trình bày trong thuyết phi cực đoan (sa. anekāntavāda), hay "học thuyết về sự đa dạng của các biểu hiện". Như vậy, Kì-na giáo giữ lập trường tổng hợp. Theo học thuyết này thì mỗi lời trần thuật đều đúng theo cách nhìn của người đưa ra, theo lập trường của người đó. Hiện thực không chỉ có một phương diện có thể được trình bày, mà hơn thế nữa là chỉ có thể được trình bày qua sự lưu ý đến nhiều phương diện khác nhau. Về mặt hiệu quả của quy luật nhân quả thì triết học Kì-na giáo giữ lập trường "như thế này và cũng như thế kia", một quan niệm sau này được một chi nhánh hữu thần của học phái Số luận thừa nhận.
  • Những người theo thuyết Định mệnh (sa. ājīvika) lại tuyên bố thuyết tiền định khắt khe, bác bỏ thuyết nhân quả lập trên cơ sở luân lý đạo đức. Chủ trương của học thuyết này là thế gian chạy theo con đường của định mệnh (sa. niyati) đã vạch ra. Như vậy thì người ta không có cơ hội để vượt khỏi biển luân hồi bằng tự lực vì, theo họ, giải thoát không chịu ảnh hưởng về mặt chất lượng của nghiệp, của các hành động (sa. akriyavāda).
  • Đại biểu của chủ nghĩa Duy vật (sa. lokāyatika) thì bác bỏ tất cả những nguyên tắc chung của tư tưởng tôn giáo triết học Ấn Độ. Họ cho rằng không có quy luật nhân quả cũng như không có tái sinh, và cuộc sống chấm dứt với cái chết. Theo họ, thế giới được hình thành một cách ngẫu nhiên từ bốn nhân tố chính (hay tứ đại) là đất, nước, gió và lửa, không theo một quy luật hoặc trật tự nào. Vì ôm ấp tư tưởng này nên họ cũng đại diện một chủ nghĩa khoái lạc, không theo đạo đức luân lý nào của xã hội.

Thuyết nhất thiết hữu bộ và Kinh lượng bộ

Trong 18 trường phái Phật giáo cổ thì có 2 trường phái nổi bật, đó là Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivādin) và Kinh lượng bộ (sa. sautrāntika). Thuyết nhất thiết hữu bộ đặc biệt quan tâm đến A-tì-đạt-ma, đặc biệt là học thuyết về các pháp. Sự tranh luận sôi nổi về vấn đề này chính là nguyên do vì sao Kinh lượng bộ tách lìa khỏi Thuyết nhất thiết hữu bộ. Các đại biểu Kinh lượng bộ không hài lòng với cách xử lý các pháp theo Thuyết nhất thiết hữu bộ, họ chỉ thừa nhận giá trị của Kinh tạng. Sau sự tách rời này, hai trường phái tiếp nhận học thuyết Nhân quả nhất như (sa. satkāryavāda) và Nhân quả bất nhất như (sa. asatkāryavāda) của hai học phái Số luận và Thắng luận.

Các đại biểu của Thuyết nhất thiết hữu bộ thừa nhận một mô hình cộng tồn (coexistence) của tất cả các pháp – các pháp vị lai, quá khứ và hiện tại – trong một dạng tiềm tàng. Qua sự khởi động bằng nghiệp, chúng thay đổi trạng thái, lìa trạng thái tiềm tàng này để tương hỗ nhau hình thành thế giới và hiện tượng. Sau khi gây hiệu quả, và tách rời nhau, các pháp không bị huỷ hoại mà lại thể nhập trạng thái tiềm tàng như trước, đợi đến lúc bị nghiệp lực kích động để phát huy hiệu quả. Vì thế tông phái này mới có tên là "nói là tất cả đều tồn tại" (sarvam asti). Thuyết nhất thiết hữu bộ thừa nhận một tự tính (sa. svabhāva) của các pháp và qua đó, đưa chúng lên tầng cấp của "hiện thực tối cao" (sa. paramārtha). Theo quan điểm của Kinh lượng bộ thì việc gán vào các pháp một hiện thực tối cao như Thuyết nhất thiết hữu bộ là một sự phản bội giáo lý vô ngã của đức Phật, bởi vì việc đưa các pháp lên một cấp bậc bên trên những "hiện thực" khác đã vô tình giữ lấy một lập trường chấp ngã (pháp ngã chấp), có thể so sánh với học thuyết tự ngã của các Áo nghĩa thư. Để phản đối lại học thuyết này, Kinh lượng bộ đề xuất học thuyết Sát-na tồn tại (sa. kṣaṇikavāda). Theo thuyết này thì các pháp chỉ xuất hiện chớp nhoáng, chỉ trong một khoảnh khắc, một sát-na, để sau đó tịch diệt ngay tức thì. Các pháp này không tồn tại theo thời gian và không gian và cũng không có mối tương quan về mặt nhân quả với nhau. Trước khi phát sinh thì các pháp hoàn toàn không tồn tại, và sau khi đã thực hiện công năng chúng lại trở về trạng thái phi tồn tại này.

Mô hình nhân quả

Ngay trong chương đầu của Trung quán luận (MMK), Long Thụ đã phản đối cực lực tất cả những mô hình của các trường phái trong và ngoài Phật giáo, cho rằng chúng phạm lỗi mâu thuẫn:

na svato nāpi parato na dvābhyāṃ nāpy ahetutaḥ | utpannā jātu vidyante bhāvāḥ kva cana ke cana || MMK 1,01Chẳng nơi nào người ta có thể tìm thấy sự hiện hữu (sa. bhāva) phát sinh từ chính nó (svataḥ), từ cái khác (parataḥ), từ cả hai hoặc phát sinh không có nguyên nhân (ahetutaḥ).

Theo Long Thụ, lập trường của Thuyết nhất thiết hữu bộ, dưới dạng "Nhân quả nhất như" của họ, tương đương kiến giải cực đoan Thường kiến (sa. śāśvatavāda); nghĩa là họ tin vào sự trường tồn, bởi vì họ đã đưa các pháp lên một trạng thái tồn tại thường hằng. Kinh lượng bộ, với cách xử lý thuyết "Nhân quả bất nhất như" (sa. asatkāryavāda), thì sa lạc vào Đoạn kiến (sa. ucchedavāda); đây là kiến giải chấp sự đoạn diệt, bởi vì họ cho rằng các pháp trước và sau khi xuất hiện hoàn toàn không tồn tại. Cả hai kiến giải này đều không phù hợp với con đường trung đạo của Phật Thích-ca, được Long Thụ định nghĩa bằng sự tương đồng hoàn toàn của giáo lý Duyên khởiTính không. Các pháp không trường tồn, bởi vì chính chúng nó xuất hiện trên cơ sở hệ thuộc, có cơ sở hệ thuộc. Nhưng chúng cũng không bị huỷ diệt, bởi vì chúng hoàn toàn không có một tự tính, không có một cơ sở tự tồn nào. Long Thụ nhấn mạnh quan điểm này trong Trung quán luận như sau:

yaḥ pratītyasamutpādaḥ śūnyatāṃ tāṃ pracakṣmahe | sā prajñaptir upādāya pratipat saiva madhyamā || MMK 24,18Cái duyên khởi ấy chính là cái chúng ta gọi là Tính không. Nó [chỉ] là một khái niệm tuỳ thuộc (prajñapti), nhưng chính nó lại là Trung đạo (madhyamā pratipat)

Dẫn dắt chúng sinh trực nhận chân lý trung đạo này bằng trí huệ siêu việt (prajñā) chính là động cơ chính nằm sau toàn bộ hệ thống triết học của Long Thụ. Sư phân tích các chủ đề quan trọng nhất của Phật giáo chính trong bối cảnh này.

Liên quan